Bình tích áp có 2 bộ phận chính là ruột bình và vỏ bình, được ngăn cách nhau bởi lớp khí ni-tơ được bơm đầy. Khi máy bơm chưa chạy ruột bình tích áp hoàn toàn rỗng, phần trên chỉ toàn không khí ở trong bình.
Khi bơm chạy thì nước bắt đầu ùa vào ruột bình và ruột bình to dần lên làm thu hẹp khoảng cách giữa ruột bình và vỏ bình. Do đó, lượng khí này bị nén lại tạo ra lực nén lên ruột bình. Bạn hình dung như cầm tay bóp mạnh chai nước để nước phun ra mạnh hơn, nhanh hơn.
Khi đạt đến áp suất thiết kế, rơ-le áp lực sẽ làm ngắt máy bơm để bơm dừng cấp nước. Khi người dùng sử dụng nước làm rút bớt nước trong bình, đến một lượng nhất định gây hao hụt áp lực, rơ-le tự ngắt lại hoạt động để máy bơm chạy và bơm nước vào. Chu kỳ bơm – nén -xả sảy ra liên tục như vậy để cấp áp lực cho nước trong đường ống.
Công dụng của bình áp lực
Đối với hộ gia đình
Thông thường, hộ gia đình ít khi sử dụng bình tích áp mà thay vào đó là sử dụng máy bơm tăng áp. Tuy nhiên, như vậy thì mỗi lần bật / tắt nước máy bơm phải vận hành liên tục dẫn đến tốn điện và máy bơm nhanh hỏng. Do vậy, nếu có điều kiện, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng bình tích áp thay cho bơm tăng áp để tiết kiệm và bền bỉ hơn. Bởi công dụng của bình tích áp khi lắp đặt trong hệ thống cấp nước hoàn toàn giống bơm tăng áp. Mặc dù mức đầu tư ban đầu khá cao (khoảng 4 triệu đồng) tuy nhiên những gì bạn nhận được khi sử dụng bình thay cho bơm sẽ hoàn toàn xứng đáng.
Đối với khu chung cư, nhà cao tầng
Các khu chung cư và nhà cao tầng là những nơi mà thường có lượng nước tiêu thụ rất lớn, để đảm bảo lượng nước cung cấp luôn đủ áp lực, mạnh mẽ và ổn định thì việc lắp đặt hệ thống tăng áp là không thể thiếu. Hầu hết các khu chung cư cao tầng đều để bồn chứa nước trên tầng mái, Các tầng thấp thì áp lực luôn đảm bảo. Tuy nhiên, càng lên cao, nước càng yếu dần nên bình tích áp sẽ có tác dụng tăng áp, giúp đảm bảo nhu cầu sử dụng của cư dân. Ngoài ra, bình tích áp cũng được lắp đặt ở hệ thống bơm nước dưới mặt đất để bảo về máy bơm, hạn chế hiện tượng “búa nước” gây hư hại mái bơm.
Đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy
Đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy thì lưu lượng và áp lực nước là điều quan trọng nhất. Vì vậy, người ta sử dụng bình tích áp với 3 mục đích là bù áp, ổn định và gia tăng áp lực nước. Hệ thống này gồm có một bơm trục ngang, một bơm tăng áp trục đứng, một bơm chữa cháy chạy dầu diesel hoặc xăng dự phòng và bình tích áp.